Hài độc thoại (tên tiếng Anh: Stand-up comedy) là thể loại hài kịch trong đó nghệ sĩ biểu diễn một mình và trực tiếp trước khán giả. Họ có thể kể chuyện, pha trò, độc thoại hài hước, thậm chí hát và làm ảo thuật mà không cần sự hỗ trợ của trang phục hay đạo cụ khác. Đây là thể loại hài rất phổ biến và được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, châu Âu… Ronny Chieng, Ali Wong, Kevin Hart, Jerry Seinfeld, Woody Allen, Bill Cosby… là những nghệ sĩ phương Tây nổi đình nổi đám với hài độc thoại. Họ đều nhanh chóng trở thành triệu phú bởi loại hình này được khán giả ưu ái đến nỗi những show diễn của họ thường “cháy vé” ngay khi mới nhá hàng.
Những nghệ sĩ trên thành công tới mức trở thành thương hiệu giải trí và gặt hái vô số quả ngọt khi tấn công vào truyền hình lẫn điện ảnh. Nội dung tiết mục hài độc thoại (từ chuyên môn là set diễn) của họ rất đa dạng và không có rào cản: Từ câu chuyện thường ngày đến châm biếm, đả kích xã hội, từ chủ đề đơn giản như học đường, gia đình đến những chủ đề nhạy cảm như chính trị, chủng tộc, tình dục... Tất cả đều được nhìn dưới lăng kính hài hước.
Ở Việt Nam, Dưa Leo được coi là người đầu tiên thử sức với hài độc thoại. Tuy vậy, anh chỉ diễn ở một vài quán cà phê hoặc không gian nhỏ nên độ lan tỏa không cao. Nội dung các set diễn của Dưa Leo hồi những năm 2012 cũng không được đánh giá cao. Rất nhiều set diễn bị liệt vào dạng hài nhảm, hài tục vì anh chàng chuyên môn nói bậy, chửi thề để gây cười.
Năm 2015, hài độc thoại mới thật sự gây chú ý với hai gương mặt là Mạc Văn Khoa và Phan Phúc Thắng trong gameshow “Cười xuyên Việt”. Đa phần các tiết mục của hai thí sinh này đều là hài độc thoại. Mạc Văn Khoa tận dụng ngoại hình quê mùa, xấu lạ của mình để kể những câu chuyện buồn cười và dung dị chốn thôn làng. Còn Phan Phúc Thắng thì hay tấu hài theo kiểu MC, diễn giả. Tuy vậy, về sau, tên tuổi Phan Phúc Thắng lặn mất hút còn Mạc Văn Khoa thì rẽ sang nghiệp phim ảnh.
Bẵng đi nhiều năm liền, khán giả không còn mấy để ý đến hài độc thoại do ít nghệ sĩ khai thác thì bắt đầu từ năm 2021, loại hình này tạo nên làn sóng mới. Sự xuất hiện của nhóm Sài Gòn Tếu cùng nhiều gương mặt hoạt động độc lập khác khiến hài độc thoại trở lại sôi động và phát triển mạnh mẽ theo hướng văn minh, trí tuệ, trẻ trung.
Sài Gòn Tếu ra đời năm 2020, là nhóm hài độc thoại đầu tiên tại Việt Nam. Nhóm có khoảng 20 thành viên, trong đó 10 diễn viên hài độc thoại. Dù là tân binh theo đuổi thể loại hài kịch còn khá xa lạ với số đông người Việt nhưng nhóm đã gây dựng được tên tuổi với gần hai triệu người theo dõi trên các trang mạng xã hội. Mỗi tháng, Sài Gòn Tếu tổ chức các buổi diễn trực tiếp trước khán giả rồi ghi hình để phát lại trên YouTube, Facebook hay TikTok.
Sự cuốn hút của Sài Gòn Tếu nằm ở các show diễn chất lượng do bốn trụ cột là Phương Nam, Uy Lê, Uy Nguyễn và Tùng BT cầm trịch. Trưởng nhóm Uy Lê có 5 năm kinh nghiệm trình diễn hài độc thoại bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt trên 10 thành phố khắp châu Á. Anh đã khẳng định được tên tuổi ở lĩnh vực này khi liên tục giành nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế như: Giải nhất “Vietnam Comedy Competition 2018”, Giải nhì “Bangkok International Comedy Competition 2019”. Uy Lê có lối hài linh hoạt nhiều giọng, chơi chữ, pha chút xéo sắc, chua ngoa. Vốn là người kỹ tính, Uy Lê luôn chăm chút đến tận dấu chấm, dấu phẩy cho từng câu thoại để nhấn nhá đúng nhịp cười. Nhưng anh thừa nhận, dần dần mình bớt kỹ tính một chút để diễn cho tự nhiên, các tiết mục không bị sượng trân.
Ngược lại với Uy Lê, lối hài của Phương Nam tỉnh queo, bản năng và hồn nhiên như cậu bé mới lớn. Trong nhóm, Phương Nam có lẽ là diễn viên nổi bật nhất. Rất nhiều set diễn của anh chàng đăng tải trên YouTube thu hút hàng triệu lượt xem. Điều khiến Phương Nam lôi cuốn được người xem chính là những set diễn như không diễn bởi những câu chuyện rất thật. Khán giả có cảm giác anh chàng hoạt ngôn này đang tâm tình một cách tếu táo về cuộc sống xung quanh anh, chuyện về ba Nam - má Nam, về những người hàng xóm, bạn bè anh gặp, về cách học tiếng Anh… Chuyện nào cũng làm khán giả cười ngặt nghẽo và nhận lại thông điệp, bài học ý nghĩa nhẹ nhàng. Qua cách độc thoại của Nam, những câu chuyện rất đỗi bình thường trở nên vô cùng thú vị bởi góc nhìn lạ.
Anh chia sẻ: “Ý tưởng của hài độc thoại xuất phát từ cuộc sống nên rất phong phú. Tôi mới 24 tuổi nên những chủ đề tôi chọn nói đều chỉ xoay quanh những thứ rất gần gũi với giới trẻ. Tôi cũng nói về chuyện buồn để mọi người hiểu rằng cuộc sống của bất kỳ ai cũng luôn đầy sóng gió, thử thách. Điều quan trọng nhất là chúng ta đối diện nó với một góc nhìn tích cực, lạc quan”.
Trưởng nhóm Uy Lê cho hay, lúc đầu Sài Gòn Tếu chọn hài độc thoại chỉ vì thích thú và coi nó như một liệu pháp giải tỏa sức khỏe tinh thần. Gần như các diễn viên trong nhóm ai cũng có vấn đề về tâm lý trước khi đến với hài độc thoại. Uy Lê từng trầm cảm nặng nề vì anh không thể sống thật với giới tính của mình. Phương Nam và Tùng BT từng khủng hoảng và thấy cuộc sống vô vị vì không tìm được mục đích sống. Họ tìm đến hài độc thoại để kể nỗi lòng, ẩn ức bằng góc nhìn hài hước, giải thoát chính mình để từ đó chữa lành vết thương tâm hồn.
Phương Nam tâm sự: “Tôi thích môn nghệ thuật này ở chỗ nó rất gần gũi. Người diễn không cần phải đóng vai bất kỳ nhân vật nào hết. Khi đứng trên sân khấu, tôi là tôi và kể những câu chuyện của chính mình. Nó không hề có áp lực tôi phải diễn làm sao cho hay. Hài độc thoại còn cho phép tôi kết nối với khán giả trong không gian mà mọi người cùng cười để thoải mái, xả stress”.
Do đó, slogan của nhóm là ba chữ: Tếu - những câu chuyện truyền năng lượng tích cực; Chất - câu chuyện phải xuất phát từ trải nghiệm hoặc cảm xúc thực tế; Tâm – câu chuyện nhân văn, ý nghĩa với sức khỏe tinh thần của công chúng. Khi Sài Gòn Tếu bắt đầu được công chúng đón nhận, định hướng của nhóm không chỉ là diễn cho khán giả xem mà còn xây dựng một cộng đồng yêu thích hài độc thoại. Ở đó, khán giả có thể thử sức trình diễn. Nhờ vậy, nhóm phát hiện thêm nhiều tài năng mới và đưa chức năng trị liệu tinh thần của hài độc thoại đến gần với công chúng.
Ngoài Sài Gòn Tếu với các diễn viên nam thì hài độc thoại còn có không ít “bóng hồng” đầu quân. Nổi bật trong số đó có thể kể đến Kim Thanh, Yến Nhi và Minh Tú… Kim Thanh là thành viên của nhóm Haha Hà Nội. Do dịch bệnh, Kim Thanh và nhóm dần chuyển mảng hài ứng tác sang hài độc thoại và theo đuổi cho đến nay. Để không đụng hàng, cô chọn phong cách diễn kết hợp âm nhạc cho một set diễn dài hơi 20 phút. Riêng Minh Tú thì diễn hài độc thoại tiếng Anh cho đối tượng khán giả là người nước ngoài.
Trước đây, hài độc thoại bị nhiều nghệ sĩ hài gạo cội như Hoài Linh, Hạnh Thúy… liệt vào dạng “khó nuốt”. Danh hài Hoài Linh từng cho rằng khi không có những màn tung hứng cùng bạn diễn, nghệ sĩ độc thoại phải hoàn toàn chủ động từ hình thể cho đến đài từ, phải làm sao để trong chừng ấy thời gian ngắn ngủi làm cho khán giả bật cười và cảm thấy hài lòng, đó là điều không dễ. Để làm được điều đó, người diễn viên phải rất thông minh, duyên dáng và cực kỳ hoạt ngôn.
Vậy mà bây giờ, các set diễn của Sài Gòn Tếu và Haha Hà Nội lại thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube. Chỉ đơn giản một điều, nhóm sở hữu dàn diễn viên rất tài năng và mang lại những câu chuyện gần gũi mà thú vị với người trẻ hôm nay. Các thành viên Sài Gòn Tếu tiết lộ, họ thường không tập trước mà chỉ vạch ra ý chính rồi lên sân khấu tùy cơ ứng biến. Như thế sẽ tạo ra sự tương tác và cảm xúc tự nhiên với khán giả.
Sự mở lối của Sài Gòn Tếu và các gương mặt nghệ sĩ mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng của hài độc thoại “made in Việt Nam”. Nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đưa giải trí trực tuyến lên ngôi đã và đang giúp thể loại này phát huy tiềm năng. Điều các nghệ sĩ hài độc thoại cần phải làm chính là không ngừng học hỏi, tìm tòi để kể những câu chuyện nhân văn đậm chất Việt chứ không sa đà vào những đề tài dễ dãi hoặc lai căng xứ người.